Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Scandal các mùa bầu cử tổng thống Mỹ - Bài 2: Thật, giả lẫn lộn |

PN - Stephen Grover Cleveland là Tổng thống Mỹ thứ 22 (từ năm 1885-1889 và thứ 24 (năm 1893-1897). Khi chính trường Mỹ rúng động trước scandal tình ái giữa Tổng thống Bill Clinton và thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky vào năm 1995, người ta liên tưởng ngay đến sự cố của Tổng thống Grover Cleveland từ hơn 100 năm trước. Họ có nhiều điểm giống nhau kỳ lạ: đều xuất thân là luật sư, đều từng làm thống đốc, cùng là thành viên của đảng Dân chủ, và sự nghiệp chính trị cũng lao đao, lận đận vì những vướng víu tình cảm.

Tổng thống Grover Cleveland

Ông Grover Cleveland (18/3/1837 - 24/6/1908) sinh trưởng trong một gia đình có chín anh chị em. Khởi đầu, ông là luật sư trợ lý ở một quận, rồi cùng bạn bè lập công ty luật. Cleveland được ngưỡng mộ về sự thông minh, làm việc cần cù và lối sống giản dị. Bản tính năng động dẫn dắt Cleveland đến với chính trị, và nhanh chóng thăng tiến. Buổi đầu theo nghiệp chính trị, Cleveland đã gắn với đảng Dân chủ.

Trong những năm 1870, chính quyền Buffalo ngày càng “leo thang” tham nhũng, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bắt tay nhau cùng hưởng lợi trước thực trạng nhá nhem này. Năm 1881, đảng Cộng hòa chính thức đề cử danh sách ứng viên cho vị trí thị trưởng Buffalo, đảng Dân chủ nhìn thấy cơ hội lấy phiếu của đảng đối lập một khi chọn được ứng viên trung thực - và Grover Cleveland được chọn, đắc cử thị trưởng với 15.120 phiếu bầu, so với 11.528 của đối thủ Milton C. Beebe. Nhờ điều hành hiệu quả, tên tuổi của Cleveland sáng chói lên, được đảng Dân chủ quyết định chọn là “hạt giống”. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cleveland đảm nhận vị trí Thống đốc New York, rồi trở thành ứng viên Tổng thống Mỹ sau hơn 10 năm theo đuổi chính trị.

Đệ nhất phu nhân trẻ nhất trong lịch sử Tổng thống Mỹ Frances Clara Folsom Cleveland

“Bom tấn”

Khi Grover Cleveland bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 1884, ông là hình ảnh một ứng viên “sạch sẽ” và có tài. Tuy nhiên, tờ báo Evening Telegraph ở Buffalo (New York) đã châm ngòi một câu chuyện gây chấn động dư luận: Cleveland là cha của một đứa con hoang vào đầu thập niên 1870.  tin  này lan truyền với tốc độ chóng mặt và đảng Cộng hòa đã tận dụng để hạ uy tín của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Theo lời khuyên của bạn bè, ông Cleveland tuyên bố nhận trách nhiệm và đi vào lịch sử với câu nói ấn tượng: “Bất cứ gì bạn nói, hãy nói thật”.

Cái gọi là sự thật, như Cleveland thừa nhận với công chúng, là ông từng quan hệ với một phụ nữ tên Maria Halpin, nhưng Maria lại gặp gỡ cùng lúc từ hai-bốn người đàn ông, đều là người quen của Cleveland. Khi Maria mang thai rồi sinh một bé trai, Cleveland là “bạn tình” duy nhất còn độc thân. Người ta tin rằng, để “cứu” những người đàn ông đã kết hôn có dính dáng với Maria, Cleveland chấp nhận chu cấp cho đứa bé. Với việc nói thật trước công chúng, Cleveland không còn bị cử tri tẩy chay, mà ngược lại, ông được đánh giá cao về hành động rất “đáng mặt đàn ông”.

Tháng 7/2011, khoảng 103 năm sau khi ông Cleveland về với suối vàng, tác giả quyển sách Bí mật cuộc đời: tình dục, nói dối và tai tiếng của Tổng thống Grover Cleveland, Charles Lachman đã mô tả ông Cleveland ở những góc nhìn khác. Trong sách, Lachman nhận định, Maria Halpin là nạn nhân của chiến dịch cứu lấy một ứng viên tổng thống, đồng thời chấp nhận tiếng xấu và sự hủy hoại mãi mãi thanh danh của mình. Thực tế, Maria không phải người quan hệ bừa bãi. Cũng theo Lachman, trong một bản khai bị bỏ quên hơn 125 năm trước, Maria Halpin kể, mình gặp Cleveland trên đường, họ cùng ăn tối ở nhà hàng, khi Cleveland đưa Maria về nhà thì xảy ra chuyện cưỡng ép quan hệ tình dục. Ngày 14/9/1874, con trai ngoài giá thú của Cleveland chào đời, tên là James King Jr.

Khi một phóng viên hỏi tác giả Charles Lachman là: “Liệu có xảy ra chuyện ông Cleveland cưỡng ép bà Halpin không?”, Lachman thành thật đáp: “Qua một bản khai có tuyên thệ và có luật sư chứng kiến, bà Halpin thuật lại là mình bị ép buộc quan hệ. Tôi cảm thấy bà ấy đáng tin cậy”.

Tổng thống Grover Cleveland là tổng thống Mỹ duy nhất tổ chức hôn lễ ở Nhà Trắng

Vợ chồng Cleveland và các con

Vợ yêu

Tổng thống Mỹ Grover Cleveland là tổng thống duy nhất tổ chức hôn lễ tại Nhà Trắng lúc tại vị. Vợ ông, bà Frances Clara Folsom Cleveland Preston (21/7/1864 - 29/10/1947) là đệ nhất phu nhân trẻ nhất cho đến nay, khi bắt đầu đảm nhận trọng trách này vào năm 21 tuổi.

Frances là con duy nhất của luật sư Oscar Folsom và bà Emma Harmon. Cha của Frances là bạn thân lâu năm và đối tác pháp luật của ông Cleveland. Năm 27 tuổi, ông Cleveland gặp vợ tương lai của mình lần đầu khi Frances mới… chào đời. Khi ông Oscar qua đời vì tai nạn xe ngựa năm 1875 mà không để lại di chúc, tòa án chỉ định ông Cleveland quản lý điền trang của bạn và chăm lo việc học của Frances. (mới 11 tuổi).

Frances lớn lên, trở thành “hoa khôi học đường”. Khi Frances vào đại học cũng là lúc họ nảy sinh tình cảm, phòng riêng của Frances ở ký túc xá có lúc tràn ngập hoa do ông Cleveland tặng. Ông thường xuyên viết thư cho Frances. Ngày Frances tốt nghiệp đại học cũng là lúc ông Cleveland ngỏ lời. Năm ngày sau khi đính hôn, ngày 2/6/1886, họ tổ chức lễ cưới tại Nhà Trắng.

Frances (21 tuổi) kết hôn với Tổng thống Grover Cleveland (49 tuổi), chênh nhau 28 tuổi, cũng là cặp có cách biệt tuổi tác nhiều thứ nhì trong số các cuộc hôn nhân của tất cả các đời Tổng thống Mỹ (chênh lệch nhiều nhất là Tổng thống John Tyler 54 tuổi và người vợ trẻ hơn ông 30 tuổi).

Tân Đệ nhất phu nhân Frances Cleveland tuy trẻ tuổi, nhưng vẫn có sự khôn ngoan, sắc sảo cần thiết và nhanh chóng giành được thiện cảm của giới truyền thông vì sự khả ái của mình.

Vợ chồng Tổng thống Cleveland có năm con (ba gái, hai trai), tất cả đều khá thành đạt, dù không ai đi theo con đường chính trị. Khoảng 5 năm sau khi ông Cleveland qua đời vào năm 1908, bà Frances tái hôn với một giáo sư ở Đại học Princeton. Ngày 29/10/1947, bà Frances qua đời, được an táng bên cạnh người chồng tổng thống.

THỤC OANH

Đón đọc kỳ tới: Chức tổng thống bị "đánh cắp"


 

Nguồn: phunuonline.com.vn

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét