Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Lúc nói chán là lúc yêu nhất...

 Người ta "đồn" rằng họa sĩ Trần Lưu Hậu là một người rất giàu, một quý tộc "chơi ngông". Bởi thời buổi này mà ông dành hẳn cả một tòa nhà to đẹp rộng 200m2, cao bảy tầng ở ngay trung tâm thủ đô chỉ để bày những bức tranh khổ lớn của chính mình... Ông bảo, 84 tuổi, mọi thứ đều chán rồi, không muốn lên báo và không muốn nói gì nữa. Nhưng tranh của ông, vẫn tiếp tục được vẽ ra không ngừng nghỉ, vẫn tươi mới, khỏe khoắn và nồng nhiệt... 

 Nghệ thuật đích thực là phải hết lòng 

- Thưa họa sĩ, ông là một trong vài người hiếm hoi còn lại của lớp họa sĩ kháng chiến, thời mà thầy trò lớp hội họa đầu tiên của mỹ thuật cách mạng dạy và học ở trên chiến khu Việt Bắc. Ông còn nhớ những năm tháng đó? 

- Khóa mỹ thuật kháng chiến chúng tôi học trên Việt Bắc, do họa sĩ Tô Ngọc Vân giảng dạy. Lúc đó vì nhu cầu cách mạng nên mở trường dạy vẽ thôi. Cũng không có điều kiện tuyển nhiều, tập trung mười mấy người về vừa học vừa phục vụ kháng chiến. Chúng tôi tham gia sản xuất, làm việc cùng dân công, bộ đội. Tôi vốn xuất thân là trai Hà Nội, nhưng lên đó cũng học đi cấy, đi cày, biết làm rẫy, phát nương. Lớp học vẽ ở trên nhà sàn, lấy nhân dân làm mẫu, vẽ xong thì ra bản căng dây treo tranh, triển lãm cho dân xem. Phải nói rằng, ai được sống qua thời kỳ ấy cũng đáng tự hào. Những năm tháng ấy dạy cho tôi biết lao động và quý trọng lao động. Cuộc sống vô cùng gian khổ, sống chết chỉ cách nhau chừng gang tấc.

 - Họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh trong chính những ngày tháng ấy? 

- Ông hy sinh ở đèo Lũng Lô, khi từ chiến dịch trở về căn cứ. Một tiểu đội tắm suối bị lộ, bom ném xuống và ông bị mảnh đá văng vào, hy sinh khi mới 49 tuổi. Nếu không thì ông ấy vẫn dạy chúng tôi cho đến hòa bình.

- Học vẽ để phục vụ kháng chiến, nhưng có thể nói thế hệ họa sĩ các ông vẫn để lại trong tác phẩm dấu ấn cá nhân rất lớn? Và thực tế thì cho đến bây giờ, người ta vẫn nói rằng, lớp những họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và lớp Mỹ thuật kháng chiến ấy đã để lại cho di sản mỹ thuật nước nhà những đỉnh cao mà thế hệ sau này vẫn chưa vượt được? 

- Tôi thì nghiệm ra rằng, làm gì không quan trọng mà quan trọng là làm hết sức mình. Khi người ta làm một việc gì đó tận tâm tận lực, thì sẽ thu được kết quả tốt đẹp thôi. Không cứ vẽ đề tài công- nông- binh lao động chiến đấu thì chỉ là phục vụ chính trị mà chưa phải là nghệ thuật. Tôi quan niệm rằng, những người nào hết lòng với nghệ thuật, trả giá hết đời mình, hết cuộc sống của mình cho nghệ thuật thì sẽ có những tác phẩm đích thực.

-  Có lẽ không phải ai cũng thấu hiểu được điều giản dị đó, nên người ta cứ đi tìm kiếm ở đâu đó xa vời... 

- Sự hết mình ở đây còn là trung thực, chân thật, là sự quý trọng lao động...Tôi đánh giá rất cao những người lao động. Không có người lao động nào mà xấu cả. Hết lòng với công việc mình làm, thì đúng nghĩa là sự yêu nước. Như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chơi nhạc Chopin ấy, có phải là không chơi nhạc Việt Nam thì không yêu nước đâu. Hồi chúng tôi đi học không có điện, đêm chỉ mong trời chóng sáng để học, có lẽ vì thế cái   tin  h thần học tập hồi ấy nó khác. Thế mà bây giờ có điều kiện, nhưng có được những người trí thức như ngày xưa cũng hiếm. Ngày xưa học kỹ càng hơn, sâu sắc hơn, làm việc đến nơi đến chốn hơn. Còn bây giờ thì có lẽ văn bằng quan trọng hơn...

 Lúc nói chán là lúc yêu nhất... 

-  Xem tranh của ông có thể thấy, trái ngược với vẻ ngoài hiền lành, nhu mì, Trần Lưu Hậu là người quyết liệt đến tận cùng trong nghệ thuật... 

- Điều đó cũng đúng. Mọi người nói tôi hiền lành. Nhưng làm nghệ thuật cũng như nhiều việc khác, đều phải quyết liệt kinh khủng, làm việc tận lực với thái độ quyết liệt chứ không nói chơi được. Xã hội càng phức tạp thì mình càng phải quyết liệt hơn. Tôi cũng không làm lại những cái đã làm. Luôn luôn phá cách. Liên tục biến đổi. Cũng chẳng có thành công nào mà không chịu trả giá. Có khi có người nào đó nói rằng, họa sĩ là người đơn độc lủi thủi, tự vạch ra con đường của mình và tự đi thôi, không chờ ai ghi nhận. Chứ làm nghệ thuật mà bốc lên muốn được biết đến ngay thì khó làm lắm.

-  Có người nói rằng, Trần Lưu Hậu là một họa sĩ có biệt tài dùng mầu. Nhìn những bức tranh của ông ở đây, có thể nghĩ rằng người vẽ nên chúng hẳn phải yêu đời, yêu cuộc sống một cách mãnh liệt? 

- Đúng là người ta có "đồn đại" rằng tôi có năng khiếu về sắc giác. Và tôi là người yêu cuộc sống. Suy cho cùng thì nghệ thuật là nhân văn, là đi tìm cái đẹp. Tôi trân trọng và quý hóa cuộc sống tinh thần. Nhưng bây giờ già rồi, không có gì để nói về mình nữa. Tôi chán mình rồi, cũng chán cả việc phải nói về những thứ ở quanh mình rồi. Giờ còn chút thời gian nào thì tập trung làm việc. Cũng không mong làm nên những tác phẩm lớn, mà chỉ coi công việc vẽ tranh như là bài tập hằng ngày. Thời gian là quý giá, nên để dành cho công việc, nói nhiều chán lắm.

-  Họa sĩ Trần Lưu Hậu mà cũng có lúc nói chán. Có phải lúc nói chán là lúc ta yêu nhất cuộc sống này? 

- (Cười to) Cũng có thể. Bởi đã qua rồi cái thời nghèo khổ. Đã từng có những lúc cả gia đình hai vợ chồng với năm đứa con ở trong cái buồng tập thể chín thước vuông. Tối phải cho xe đạp vào buồng, nằm ngủ gối đầu lên vành xe, tay thì quàng pê-đan. Bếp đun dầu phải để lên cửa sổ cho đỡ hôi. Cả dãy tập thể năm hộ gia đình chỉ có một nhà vệ sinh chung. Thì đấy, cớ gì không yêu cuộc sống bây giờ. Ngày xưa khổ nhưng anh em đồng nghiệp, thầy trò thương yêu đùm bọc nhau, nên mình cũng có động lực tinh thần để mà vượt qua.

 Biết tiêu tiền khó hơn kiếm tiền 

-  Vậy từ khi nào thì công việc vẽ tranh của ông mang lại lợi ích vật chất để có thể tập trung sáng tạo mà không nghĩ ngợi gì về kinh tế? 

- Từ khi Nhà nước có chính sách mở cửa, mình có sự giao lưu, trao đổi với nước ngoài. Có những người họ yêu tranh của mình, muốn sưu tập, họ chia sẻ nên mình có đồng ra đồng vào, chứ nếu mà đơn thương độc mã thì cũng khó khăn lắm. Cũng không phải lấy đó làm cứu cánh, nhưng phải nói một điều rằng, đúng là nghệ thuật nó cứu mình. Cứu cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu không có nghệ thuật thì không có mình ngày hôm nay. Thế nên mình mới có điều kiện để tiếp tục công việc sáng tạo, bởi cái nghề này, nghèo không theo được.

- Ông có "chơi ngông" không khi dành hẳn cả một ngôi nhà to rộng trong trung tâm thành phố để trưng bày những bức tranh khổ lớn đẹp như thế này? Nếu theo cách nghĩ thông thường, người ta đã biến nó thành khách sạn, nhà hàng, thành ô-tô tiền tỷ? 

- Tôi làm như thế này không phải để khoe, mà là để phục vụ cho nhu cầu công việc của mình. Ừ thì nếu theo cách nghĩ thông thường thì họ sẽ bảo, nhà to rộng thế này sao không xây khách sạn hay văn phòng cho thuê. Tranh nhiều thế sao không bán bớt đi mua cái ô-tô sang trọng... Cho đến bây giờ thì tôi hiểu một điều rằng, kiếm ra tiền không khó bằng biết tiêu tiền. Có tiền, làm ra tiền mà không biết tiêu tiền thì đồng tiền cũng không có ý nghĩa. Con người phải biết sử dụng đồng tiền một cách có hiệu quả cho công việc và cho cuộc sống của mình, đóng góp cái gì cho xã hội. Bây giờ tôi thấy có nhiều người giàu có nhưng tiêu hoang, chi tiền cho những việc phù phiếm. Còn làm họa sĩ cũng có cái sướng, là công việc có thể mang lại tiền bạc cho mình để mình đầu tư tiếp cho công việc: mấy ai có điều kiện để làm phòng tranh cho mình to thế này, vẽ những bức tranh khổ lớn thế này... Tôi không có nhu cầu gì hơn là làm nghệ thuật.

- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. 


camera nguỵ trang|camera siêu nhỏ|camera mini|camera quay lén|loa usb|loa mini|loa iphone|loa điện thoại|loa máy tính|loa lapotp|tai nghe beats|monster beats|beats by dre|máy ghi âm|bút ghi âm|máy ghi âm chuyên dụng|loa mp3|máy nghe nhạc

Nguồn: www.nhandan.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét