Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Chuyện kể của nữ 'cảnh sát đường phố' 76 tuổi ở Hồ Gươm |

“Anh ta đưa tờ 100 USD, tôi cầm ví lấy tiền trả lại. Cầm ví trên tay, vị khách chỉ tờ nọ tờ kia mà tôi không biết bị rút mất tờ 50 USD từ lúc nào” – bà Thúy kể lại.

Bà Tạ Ngọc Thúy – Phó ban bảo vệ dân phố phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm nay đã 76 tuổi. Bà vừa được vinh danh là một trong 10 gương người tốt việc tốt, là công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012.

Bà Thúy kể lại kỷ niệm bị khách Tây rút  trộm  tiền trong ví.

Nếu gặp bà với băng đỏ “bảo vệ dân phố” trên phố Đinh Tiên Hoàng thì không ai bảo đó là người ở tuổi “xưa nay hiếm”. Dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, bà Thúy luôn vui vẻ, tươi cười kể cả khi nhắc nhở những người hành nghề… móc túi.

“Tôi tham gia công việc bảo vệ ở phường từ khi giải phóng thủ đô rồi. Ngày đó, tôi còn thanh niên, nghe nói quân ta sắp về là mua mảnh vải đỏ rất lớn rồi trải ra sàn nhà may cờ. Hôm ấy, đang khâu ngôi sao vàng ở giữa lá cờ thì một tay cảnh sát Pháp bên bốt ở Bờ Hồ vào. Tôi hơi sợ nhưng anh ta chẳng làm gì, đứng xem một lúc rồi lại đi ra. Không hiểu sao sau khi chứng kiến cảnh quân ta tiến vào giải phóng Thủ đô năm ấy, tôi cứ muốn làm việc gì đó gắn với đường phố thân yêu này” – bà Thúy giải thích cho lý do tại sao hơn 40 năm nay gắn với công việc làm bảo vệ ở tổ dân phố phường Hàng Bạc.

Suốt hơn 40 năm tham gia việc “vác tù và hàng tổng”, bà Thúy có không biết bao nhiêu kỷ niệm. “Ở mặt phố Đinh Tiên Hoàng này tới nay đã hơn 70 năm, chẳng thể kể hết những gì đã chứng kiến nhưng không hiểu sao tôi có duyên với những việc liên quan tới an ninh trật tự. Có lẽ vì thế mà nhiều lần tôi được công an quận, công an thành phố tặng giấy khen, bằng khen về công tác bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự ở khu phố. Ví như chuyện người Tây mua hàng rồi làm ảo thuật rút tiền tới nay mọi người hay nhắc tới nhưng với tôi, từ năm 1998 đã gặp và là người đầu tiên bắt được thủ phạm” – bà Thúy kể lại chuyện.

“Hôm ấy, trời nắng mà giữa trưa có vị khách Tây da đen mặc áo măng tô mùa đông bước vào hỏi mua vali. Trong đầu tôi đã đặt dấu hỏi nhưng anh ta hỏi mua rất nhanh rồi đưa tờ 100 USD. Tôi bước vào trong, cầm ví lấy tiền trả lại. Đang tìm tiền trả thì anh ta cứ đưa tay chỉ tờ nọ, tờ kia trong ví. Đúng lúc đó, con trai tôi đi về bảo "mẹ ơi ảo thuật". Tôi nắm lấy tay vị khách thì đã thấy đồng 50 USD trên tay anh ta. Người khách đó ném tiền ra chỗ khác rồi vội vã bỏ đi. Tôi nhanh tay kéo lại, ấn xuống ghế rồi gọi cho cảnh sát”. Việc bà Thúy tóm được tên trộm không có gì đáng nói nếu thủ phạm nhận lỗi về mình. Đằng này, khi lên phường, anh ta vu ngược cho bà Thúy trộm tiền. Công an phường phải chuyển vụ việc lên cấp trên.

Công dân ưu tú của Thủ đô được Chủ tịch Thành phố trao bằng chứng nhận.

“Hôm lên công an quận làm tường trình, tôi còn gặp mấy người ở quanh phố cổ tới nhận diện, trong đó có một anh chủ tiệm vàng trên phố Hàng Nón. Tên trộm ngoại quốc đã làm ảo thuật rút được nhiều tiền của họ. Có nhân chứng rõ ràng thì anh ta mới nhận tội. Tên trộm ngoại quốc khai đã thực hiện trót lọt hơn 20 vụ khắp từ Nam ra Bắc, tới khi gặp tôi mới bị bắt” – bà Thúy kể câu chuyện bắt tên trộm chuyên làm ảo thuật, rút tiền.

Không chỉ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, bà Thúy còn tham gia công tác phụ nữ, chữ thập đỏ… của phường. “Những chuyện như vợ chồng cãi nhau, cha con đánh, chửi rồi từ mặt nhau trong phường đều có cả. Có hôm, hai gia đình là hàng xóm tranh chấp lối đi đến gọi tôi gần chục lần. Họ kiện tụng nhau mãi nhưng cuối cùng, tôi lựa lời khuyên giải thì nay đã êm xuôi, hòa thuận” – bà kể về kinh nghiệm trong công tác hòa giải.

Đinh Tiên Hoàng là tuyến phố Bờ Hồ nên có nhiều khách du lịch. Vài năm trước, tình trạng người bán hàng rong chặt chém, móc túi khách nước ngoài khiến dư luận bức xúc. “Mỗi khi có khách, họ đưa quang gánh lên vai rồi xin tiền. Chờ khách rút ví là 3 – 5 người vây quanh, thừa thời cơ rút trộm. Tổ bảo vệ cũng như công an phường, quận đã phải rất vất vả. Tôi chỉ nhẹ nhàng phân tích với họ thôi. Mình làm thế là nhục quốc thể, người nước ngoài nghĩ không tốt về Hà Nội thì còn làm ăn lâu dài sao được. Họ nghe ra, nể mình, không tụ tập, chèo kéo khách ở khu phố mình phụ trách nữa”.

Nhiều khách du lịch, tổ dân phố bà Thúy làm công tác bảo vệ cũng phải đối mặt với nhiều trộm cắp, đặc biệt là móc túi. “Mình nhìn thấy anh ta móc túi nhưng nói là lại chối ngay. Nhưng mình nên nhắc khéo mới được việc vì nếu không, ngay ngày mai sẽ có một túi mắm tôm ném vào nhà. Nhiều lúc, mình nói chuyện như tâm sự với họ. Có những thanh niên hành nghề móc túi, đã chừa hẳn tuyến phố bà Thúy phụ trách vì nể u già” – người phụ nữ của đường phố kể.

Mai phương

Theo Infonet


Nguồn: news.zing.vn

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét